Hệ thống phanh xe được xem là một trong những hệ thống quan trọng nhất trên xe ô tô. Có rất nhiều cách để giúp người dùng phân biệt loại hệ thống phanh xe, tuy nhiên, trên các dòng xe thương mại hiện nay có hai loại hệ thống phanh được sử dụng phổ biến nhất là phanh đĩa và phanh tang trống.
Hãy cùng chúng tôi đến với bài viết ngắn ngay dưới đây để tìm hiểu chi tiết hơn về cách phân biệt, so sánh phanh đĩa và phanh tang trống trên xe ô tô ngay nhé.
Giới thiệu chung về hệ thống phanh trên xe ô tô
Về cơ bản thì hệ thống phanh xe hoạt động dựa trên hiện tượng ma sát giữa hai bộ phận được làm bằng kim loại để làm giảm tốc độ di chuyển của xe. Một bộ phận quay được gắn với trục bánh xe và một bộ phận còn lại sẽ đứng yên chứa má phanh. Khi người điều khiển xe đạp phanh, thông qua các cơ cấu dẫn động, má phanh sẽ tiếp xúc với phần quay, sự ma sát giữa hai bộ phận này sẽ giúp làm giảm tốc độ quay của bánh xe.
Sự khác biệt giữa phanh đĩa và phanh tang trống chính là nằm ở thành phần cũng như kết cấu của các bộ phận này.
Đối với phanh đĩa thì phần quay là một đĩa được làm bằng kim loại (thép, gốm carbon…) được gắn với bánh xe. Phần còn lại chứa má phanh được gọi là kẹp phanh (heo phanh). Kẹp phanh cũng chứa các piston phanh để khi người lái đạp phanh, thông qua cơ cấu dẫn động là dầu phanh, các piston này sẽ đẩy má phanh ép sát vào đĩa phanh giúp làm giảm tốc độ di chuyển của xe.
Đối với phanh tang trống thì tất cả các bộ phận được chứa ở bên trong tang trống gắn với bánh xe. Phần quay sẽ là tang trống và nằm ở bên ngoài, phần còn lại đứng yên là cơ cấu xy lanh thủy lực, lò xo và má phanh (guốc phanh). Khi người lái đạp phanh, thông qua cơ cấu dẫn động, xy lanh thủy lực sẽ đẩy hai phần má phanh bung ra ngoài và ép sát vào mặt trong của tang trống để tạo ra sự ma sát và giúp làm giảm tốc độ di chuyển của xe.
Ưu và nhược điểm của phanh tang trống
Ưu điểm:
- Chi phí lắp đặt cũng như sửa chữa thấp hơn nhiều so với phanh đĩa
- Kết cấu phanh đơn giản, toàn bộ thành phần đều được tích hợp bên trong tang trống tạo nên sự thuận tiện cho việc bảo dưỡng và sửa chữa
- Thiết kế bao kín nên rất phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu, khó xảy ra hư hỏng
- Có khả năng cường hóa (phù hợp với các dòng xe ô tô có khối lượng lớn)
Nhược điểm:
- Hiệu quả phanh tang trống thấp hơn so với phanh đĩa
- Thiết kế bao kín nên khả năng làm mát kém hơn so với phanh đĩa dẫn đến khi sử dụng trong khoảng thời gian dài sẽ làm giảm khả năng phanh do xảy ra hiện tượng bị giãn nở nhiệt của các thành phần bên trong cơ cấu phanh
- Trọng lượng của phanh tang trống lớn hơn so với phanh đĩa
Ưu và nhược điểm của phanh đĩa
Ưu điểm:
- Hiệu quả phanh đĩa cao hơn nhiều so với phanh tang trống
- Thiết kế hở nên khả năng tản nhiệt tốt hơn giúp duy trì hiệu quả phanh sau sử dụng trong thời gian dài
- Thiết kế hở cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chuẩn đoán hư hỏng cũng như sửa chữa hệ thống
- Trọng lượng của phanh đĩa thấp hơn so với phanh tang trống
Nhược điểm:
- Chi phí lắp đặt cũng như thay thế và sửa chữa của phanh đĩa cao hơn so với phanh tang trống
- Thiết kế hở nên các bề mặt ma sát dễ xảy ra tình trạng bị hư hỏng do bám bụi bẩn khi xe vận hành
- Không có khả năng cường hóa (phù hợp với các dòng xe ô tô con)
Như vậy, có thể thấy là phanh đĩa là loại phanh sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn so với phanh tang trống. Trên thực tế thì hầu hết các dòng xe ô tô trên thị trường hiện nay đều được trang bị hệ thống phanh đĩa. Ngay cả trên những dòng xe ô tô có giá thành rẻ như Toyota Wigo, Hyundai Grand i10… cũng đều được trang bị cấu hình phanh kết hợp trước đĩa, sau tang trống nhằm đảm bảo hiệu quả phanh được tối ưu và đảm bảo an toàn nhất.
QUÝ KHÁCH CÓ THỂ THAM KHẢO GIÁ VÀ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI XE TẢI, ĐẦU KÉO ISUZU GIGA TẠI ĐÂY.